BÀI BÁO 01_ỨNG DỤNG THUẬT TOÁN TRÍCH XUẤT ĐIỂM DỊ THƯỜNG NHIỆT TỪ ẢNH VỆ TINH MODIS ĐỂ PHÁT HIỆN CHÁY RỪNG Ở VIỆT NAM
gồm: 01 tệp tin
Phần mềm phát hiện sớm cháy rừng từ ảnh vệ tinh Modis được thiết kế và xây dựng, với mục đích tự động thu các ảnh Modis Tera và Modis Aqua trực tiếp từ website của NASA, sử dụng thuật toán ATBD-MOD14 để tạo ra dữ liệu cháy dưới dạng ảnh và danh mục các điểm có nguy cơ cháy rừng (hotspot). Phần mềm được xây dựng trên nền ngôn ngữ lập trình C# và sử dụng các phần mềm hỗ trợ khác như Visual studio, ArcGIS Server 10.0. Phần mềm đã được đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 8 năm 2015. Hiện tại, được cài đặt trên máy chủ của Viện Sinh thái rừng và Môi trường. Các thông tin về điểm cháy được cập nhật hàng ngày lên website. Phần mềm có các chức năng chính: (1). Thu nhận và xử lý ảnh vệ tinh Modis từ website của NASA để phân tích và truy xuất danh sách các điểm hotspot trên toàn lãnh thổ Việt Nam. (2). Báo cáo danh sách điểm hotspot lên trang web bao gồm các thông tin tọa độ điểm cháy, thông tin chi tiết về loại rừng, lô, khoảnh, tiểu khu và chủ rừng quản lý. Bước đầu chạy thử nghiệm cho thấy, phần mềm cho kết quả chính xác, tốc độ xử lý nhanh và ổn định.
BÀI BÁO 02_NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG PHẦN MỀM TỰ ĐỘNG PHÁT HIỆN SỚM CHÁY RỪNG TỪ TRẠM QUAN TRẮC MẶT ĐẤT
gồm: 01 tệp tin
Bài báo trình bày kết quả phát triển phần mềm phát hiện cháy rừng từ trạm quan trắc mặt đất của Trường Đại học Lâm nghiệp. Phần mềm sử dụng thuật toán phát hiện khói và lửa trong phân tích ảnh các đám cháy, nhằm trích xuất ra các thông tin về đám cháy. Phần mềm có chức năng phân tích tư liệu ảnh đa thời gian, được chụp từ camera IP, nhằm phát hiện và truyền tin cháy rừng. Phần mềm được cài đặt và vận hành tự động trên máy tính, khi có các đám cháy xuất hiện, phần mềm sẽ tự động phân tích ảnh chụp các đám cháy, phát hiện và thông tin đám cháy tới chủ rừng, bao gồm tọa độ và ảnh đám cháy thông qua tin nhắn (SMS) và thư điện tử (Email, OTT). Phần mềm sử dụng kết hợp các thuật toán phát hiện đám cháy đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Phần mềm được phát triển trên nền ngôn ngữ C# và một số chương trình hỗ trợ khác như: Visual Studio 10, Canon EDSDK Tutorial.
BÀI BÁO 03_ỨNG DỤNG THUẬT TOÁN TRÍCH XUẤT ĐIỂM DỊ THƯỜNG NHIỆT TỪ ẢNH VỆ TINH MODIS ĐỂ PHÁT HIỆN CHÁY RỪNG Ở VIỆT NAM
gồm: 01 tệp tin
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng thuật toán của Louis Giglio và cộng sự phát triển năm 2003 dựa trên thuật toán gốc của Kaufman năm1993 để trích xuất điểm dị thường nhiệt từ ảnh vệ tinh MODIS nhằm phục vụ phát hiện cháy rừng ở Việt Nam. Để đánh giá khả năng trích xuất và mức độ phù hợp kết quả nghiên cứu trong điều kiện ở Việt Nam, nhóm tác giả sử dụng ảnh vệ tinh MODIS từ năm 2010 - 2015 để trích xuất điểm dị thường nhiệt, đồng thời tổng hợp và phân tích khả năng phân bố các điểm dị thường nhiệt theo thời gian và không gian. Kết quả phân tích sự phân bố các điểm dị thường nhiệt theo không gian và thời gian đều tương đối phù hợp điều kiện kết quả phân vùng trọng điểm cháy rừng và mùa cháy rừng ở Việt Nam. Đây là cơ sở khoa học quan trọng trong việc ứng dụng ảnh vệ tinh MODIS để phát hiện và cảnh báo cháy rừng ở Việt Nam.
BÀI BÁO 04_KỸ THUẬT PHÁT HIỆN SỚM LỬA RỪNG BẰNG PHÂN TÍCH ẢNH ĐỘNG CHỤP TỪ CAMERA IP
gồm: 01 tệp tin
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về thuật toán phát hiện của khói và lửa từ chuỗi ảnh cháy rừng được ghi lại bởi máy ảnh giao thức Internet (IP). Các đặc điểm quan trọng của khói, như là màu sắc, chuyển động và các thuộc tính gia tăng của ảnh được sử dụng trong phát hiện đám cháy. Để phát hiện khói, lửa hiệu quả từ ảnh chụp của máy ảnh IP, thuật toán biến đổi cosine rời rạc (Discrete Cosine Transform - DCT) được sử dụng để giảm bớt khối lượng tính toán, tránh quá trình giải mã phức tạp trong miền không gian. Để đánh giá khả năng phát hiện và độ chính xác của thuật toán, nhóm tác giả đã tiến hành sử dụng chuỗi video từ việc đốt thử nghiệm có kiểm soát các “đám cháy”, các đám cháy này được thực hiện ở các vị trí không gian khác nhau, cường độ cháy khác nhau. Kết quả thử nghiệm với các chuỗi video và các đám cháy đốt thử nghiệm cho kết quả phát hiện đúng của thuật toán đạt 97%.
BÀI BÁO 05_KIỂM CHỨNG KHẢ NĂNG PHÁT HIỆN CHÁY RỪNG TỪ ẢNH VỆ TINH MODIS Ở VIỆT NAM
gồm: 01 tệp tin
Bài báo trình bày kết quả kiểm chứng khả năng phát hiện cháy rừng của ảnh vệ tinh MODIS. Sử dụng thuật toán Louis Giglio (2003) để trích xuất điểm dị thường nhiệt, so sánh với các vụ cháy rừng thực tế đã xảy ra từ năm 2010 - 2015. Để kiểm chứng độ chính xác của thuật toán và xác định ngưỡng nhiệt độ kênh sáng (T4) phù hợp cho Việt Nam, nhóm tác giả sử dụng dữ liệu 100 vụ cháy rừng trong quá khứ so sánh với các chỉ số trích xuất từ ảnh vệ tinh: sự xuất hiện điểm dị thường nhiệt, nhiệt độ kênh sáng (T4) và giá trị chênh lệch nhiệt độ ∆T. Kết quả kiểm chứng đã khẳng định: (i) khả năng phát hiện cháy rừng từ ảnh vệ tinh MODIS ở Việt Nam có độ chính xác là 71%, (ii) giá trị nhiệt độ kênh sáng (T4) của những vụ cháy rừng hoặc những điểm dị thường nhiệt ở Việt Nam đạt từ 310K đến 350K và giá trị về độ lệch ∆T là từ 10K trở lên.